Menu ngang

Wednesday, October 3, 2012

Combat Aircraft - Máy bay chiến đấu

 


Có lẽ không ít lần chúng ta đọc những tin tức quân sự trên báo chí với một vài thuật ngữ như máy bay tiêm kích, máy bay ném bom, máy bay tiêm kích thế hệ thứ tư, thế hệ thứ
năm… và không phải ai cũng nắm bắt, hiểu được các thuật ngữ không mấy thân thiện đó.
Để cung cấp một vài thông tin cơ bản nhất, xin giới thiệu bài viết về các loại máy bay chiến đấu nói chung, được tổng hợp từ Wikipedia và một số nguồn khác.
I. Máy bay chiến đấu là gì?
Máy bay chiến đấu (Combat Aircraft) là một thuật ngữ chỉ các loại máy bay quân sự được trang bị vũ khí, có khả năng chiến đấu và tiêu diệt các mục tiêu từ đối phương.
Hiện nay, theo hình thức tác chiến thì máy bay chiến đấu được chia ra làm ba loại chính:
  • Máy bay tiêm kích (Fighter Aircraft)
  • Máy bay ném bom (Bomber)
  • Máy bay cường kích (Ground-attack Aircraft)

Ghi chú: đã có máy bay chiến đấu thì tất nhiên là phải có máy bay không dùng để chiến đấu (Non-combat aircraft). Máy bay quân sự không dùng để chiến đấu bao gồm các loại như tìm kiếm và cứu hộ, trinh sát, quan sát/giám sát, vận chuyển, đào tạo và tiếp nhiên liệu trên không. Một số trong đó có trang bị vũ khí nhưng nhìn chung đây là những thứ “vô hại” hoặc chỉ gây thiệt hại ở cấp độ gián tiếp.
Và bây giờ, chúng ta sẽ tìm hiểu một vài nét cơ bản của ba loại máy bay chiến đấu thông dụng hiện nay:
II. Máy bay tiêm kích (một số tài liệu còn gọi là máy bay khu trục, khu trục cơ, chiến đấu cơ…):
Sukhoi-30MKI.

Đây là loại máy bay được thiết kế nhằm mục đích không đối không (Air-to-Air), dấu hiệu nhận biết của thể loại này đó là kích thước nhỏ, tốc độ cao, khả năng cơ động tốt (dễ dàng thay đổi các tham số bay như vận tốc, độ cao và hướng bay), thao tác đơn giản và được trang bị các vũ khí đặc dụng là radar, hệ thống thông tin–chỉ huy–dẫn đường, súng máy, pháo và tên lửa không đối không.
Máy bay tiêm kích của Không quân Mỹ luôn có tên bắt đầu bằng chữ F (Fighter: chiến đấu). Ví dụ: F-100, F-105 (Thần Sấm), F-4, F-15, F-16 trong đó nổi tiếng nhất và phục vụ được lâu nhất là các máy bay F-4 Phantom (Con Ma) và F-16 Fighting Falcon. Các loại tiêm kích nổi tiếng của các nước khác như Me-109 Messerschmitt BF-109 của Đức, Yak-3,9, MiG-15,17,19 của Nga và Spitfire của Anh.
Từ sau Chiến tranh thế giới II, máy bay tiêm kích đã trở thành một thành phần quan trọng quyết định thắng bại trong hầu hết những cuộc chiến. Hiện nay quân đội các quốc gia trên thế giới đã và đang bỏ ra những khoản ngân quỹ khổng lồ để nghiên cứu, chế tạo và bảo dưỡng nhằm duy trì khả năng phòng thủ - tấn công trên không của quốc gia mình.


* 4 chiếc F/A-18F của Hoa Kỳ bay theo đội hình "Black Aces" thuộc phi đoàn chiến đấu VFA-41, bay qua Thái Bình Dương năm 2003. (chiếc trên cùng và dưới cùng được trang bị hệ thống AN/ASQ-228 ATFLIR)
Dựa vào chức năng, máy bay tiêm kích được phân chia thành ba lớp như sau:
Máy bay tiêm kích trên mặt trận (Frontline Fighter):
Sukhoi Su-35 (trước đây có tên gọi là Su-27M)

Loại máy bay này chủ yếu được thiết kế để đánh “giáp la cà” trên không, phương pháp quan sát chủ yếu dựa vào mắt thường (của phi công) và khả năng cơ động của nó sẽ là điểm quyết định thắng lợi. Các loại máy bay tiêm kích mà chúng ta thấy trong phim ảnh về thế chiến thứ nhất và thứ hai đều thuộc dạng này. Ban đầu chúng chỉ được trang bị súng máy, sau đó người ta thay thế bằng pháo và tên lửa không đối không.
Máy bay tiêm kích đánh chặn (Interceptor):

MiG-23MLD - Hiện đang được Nga, Ấn Độ và Libya sử dụng.
Thiết kế đặc biệt và trang bị radar tầm xa hiện đại, máy bay tiêm kích đánh chặn được dùng để phát hiện và ngăn chặn các loại máy bay của đối phương, đặc biệt là máy bay ném bom và máy bay trinh sát. Có tốc độ cao, tầm bay dài nhưng tính cơ động kém vì thường phải phóng tên lửa ngay khi phát hiện mục tiêu từ xa, mục tiêu nằm ngoài tầm quan sát của phi công.
Ban đầu chúng còn thực hiện nhiệm vụ đánh chặn tên lửa, tuy nhiên hiện nay các hệ thống phòng không từ mặt đất có thể thay thế nhiệm vụ này một cách hoàn hảo.
Một vài chiếc nổi tiếng thuộc lớp này đó là MiG-23, MiG-25 của Nga và F-4, F-14,F-15, F-16, F-18, F-22 của Mỹ.
Máy bay tiêm kích đa năng (Multirole Fighter):

Mirage 2000-5F của Không quân Pháp.
Hiện nay, máy bay tiêm kích đa năng là loại máy bay được sử dụng phổ biến nhất trong các lực lượng không quân. Chúng vừa có khả năng không chiến như một máy bay tiêm kích vừa có khả năng tấn công các mục tiêu dưới đất nhờ được trang bị các loại vũ khí hạng nặng như bom, rocket. Ngoài ra, một số loại còn được thêm vào các chức năng khác như do thám hay chiến tranh điện tử.
Động lực chính để các nước đã và đang phát triển loại máy bay theo hướng này là nhằm giảm chi phí. Một phi đội máy bay tiêm kích đa năng có khả năng thay thế hai ba phi đội “máy bay đơn chức năng” khác. Một số còn được gọi là swing-role, đây là loại máy bay có thể thay đổi chức năng một cách nhanh chóng trong thời gian ngắn.
Các điển hình cho thể loại này là F/A-22 Raptor của Mỹ, Su của Nga, Mirage 2000 của Pháp.
****************
Dựa vào động cơ máy bay tiêm kích được chia thành hai loại:
Máy bay tiêm kích động cơ cánh quạt (Thế chiến thứ nhất và thứ hai):


Máy bay cánh đôi Sopwith Camel 2F1 tại Imperial War Museum ở London.
Đây là mẫu của hải quân, 2F1 gắn một cặp súng máy Lewis .303 phía trên cánh, bắn từ phía trên cánh quạt.

Trước chiến tranh thế giới thứ nhất chúng ta vẫn chưa có thuật ngữ tiếng Anh chính thức cho máy bay tiêm kích. Thậm chí đầu năm 1920, tại Anh Quốc người ta còn gọi những chiếc máy bay tiêm kích một chỗ ngồi là máy bay do thám. Còn trong các thứ tiếng Pháp, Ý, Đức và Bồ Đào Nha thuật ngữ “tiêm kích” được sử dụng có nghĩa đen là “người đi săn” (hiện nay các thuật ngữ đó vẫn được sử dụng), trong khi ở Nga máy bay tiêm kích được gọi là "истребитель" mà nghĩa đen là "kẻ hủy diệt". Ở Mỹ có lẽ do trước đây vì dịch sai từ tiếng Pháp “Chasseur” mà máy bay tiêm kích của người Mỹ được gọi là máy bay tiêm kích “theo đuổi” (Pursuit) cho đến tận cuối những năm 1940.
Từ "tiêm kích" được sử dụng lần đầu tiên để mô tả một máy bay hai chỗ ngồi, với một súng máy và một xạ thủ điều khiển súng đồng thời cũng là hoa tiêu. Máy bay "tiêm kích" Dòng “Gunbus” của hãng Vickers (mà đỉnh cao của nó là Vickers F.B.5 Gunbus) là một trong những điển hình cho máy bay tiêm kích hai chỗ ngồi. Hạn chế chính của loại máy bay này là thiếu tốc độ. Người ta nhanh chóng nhận thấy rằng chỉ cần một máy bay có tốc độ đủ nhanh là có thể tiêu diệt được chúng.
Vickers FB 5 "Gun Bus"

Vào cuối những năm 1930, máy bay tiêm kích nhanh chóng được trang bị các loại vũ khí mới, đây là một trong những thay đổi chính của máy bay tiêm kích. Nhưng những cải tiến nghiên cứu phát triển máy bay mạnh mẽ không phải do ngân sách của quân đội chi trả, mà lại diễn ra đối với những máy bay thể thao dân sự. Máy bay được thiết kế cho mục đích thể thao đã mở đường cho những sáng kiến như hình dáng khí động học của máy bay tốt hơn và động cơ mạnh hơn.
Máy bay với động cơ xăng dùng piston tiếp tục được cải tiến và phát triển, càng lúc càng tiến bộ về mọi mặt cho đến khi những máy bay phản lực như Messerschmitt Me 262 (Chim nhạn) và Gloster Meteor ra đời. Những máy bay này này có tốc độ lên trên 600km/giờ và khi bổ nhào xuống có thể vượt bức tường âm thanh, thậm chí còn tạo ra cộng hưởng làm vỡ máy bay.
Máy bay tiêm kích động cơ phản lực
Thế hệ thứ nhất (1944 - 1953)

Messerschmitt Me 262.

Thế hệ thứ nhất đại diện cho những nỗ lực đầu tiên trong việc sử dụng động cơ phản lực một dòng khí, loại động cơ này cung cấp một tốc độ lớn hơn nhiều lần so với động cơ cánh quạt.
Máy bay phản lực đầu tiên được phát triển trong thời gian Chiến tranh thế giới II là loại Me 262 của hãng Messerschmitt. Me 262 có tốc độ nhanh hơn hẳn so với máy bay động cơ piston, và một khi phi công lái thành thạo hầu như không máy bay cùng thời nào khác có thể chống lại nó. Mặc dù ít được sử dụng vì hao xăng nhưng sự xuất hiện của Me 262 đã báo hiệu sự lỗi thời của máy bay động cơ piston. Những sáng kiến như cánh xuôi, ghế phóng, và phần đuôi điều khiển đã được đưa vào áp dụng trên các máy bay trong thời kỳ này.
Thế hệ thứ hai (1953 - 1960)

F-100 Super Sabre (Siêu kiếm) máy bay siêu âm đầu tiên của Hoa Kỳ.
(Đã được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam).

Thế hệ thứ hai mô tả sự hợp nhất của nhiều công nghệ mới để cải tiến khả năng chiến đấu của máy bay tiêm kích phản lực. Việc đưa vào sử dụng tên lửa điều khiển như AIM-9 Sidewinder, AIM-7 Sparrow, Kaliningrad K-5, Vympel K-13... đã chuyển không chiến từ tầm gần sang tầm xa (ngoài tầm nhìn của phi công) bằng radar. Các kỹ sư thiết kế đã có nhiều sáng kiến vượt bậc như cánh xuôi, cánh tam giác, cánh cụp cánh xòe, thân máy bay được cải tiến về mặt diện tích, khả năng chứa xăng cũng tăng lên. Những chiếc máy bay sử dụng cánh xuôi là những chiếc đầu tiên đã phá vỡ được bức tường âm thanh.
Thời kỳ này tên lửa tỏ ra rất hiệu quả và gọn nhẹ, không chiến không còn phụ thuộc quá nhiều vào các đặc tính cơ động của máy bay. Những máy bay tiêm kích đã được kết hợp các nhiệm vụ như máy bay tiêm kích ném bom (F-105 và Sukhoi Su-7), vừa có thể tấn công mặt đất, vừa có thể không chiến. Xu hướng này đến nay vẫn là chủ đạo trong các lực lượng không quân của các cường quốc quân sự thế giới.

MiG-19 "Farmer" (Nông dân).

MiG-21PF, lại của không quân nhân dân Việt Nam.

Chiếc F-104G hoạt động trong Không quân Đức
mang phù hiệu của Không quân Hoa Kỳ.

Sự ra đời của các máy bay mang tên lửa đầu đạn hạt nhân và bom hạt nhân xuất hiện yêu cầu phải có loại tiêm kích chuyên biệt đánh chặn từ xa. Do đó máy bay tiêm kích đánh chặn từ xa đã xuất hiện, đi đầu trong xu hướng này là không quân Xô Viết. Các máy bay này trang bị các hệ thống radar và tên lửa rất hiện đại có tầm bay rất xa và tốc độ rất cao nhưng vì tiêu diệt mục tiêu bằng phóng tên lửa tầm xa nên không đòi hỏi tính cơ động tốt. Ở thời kỳ này các máy bay điển hình loại này là Mikoyan-Gurevich MiG-21 của Liên Xô, English Electric Lightning của Anh và F-104 Starfighter của Hoa Kỳ.
Thế hệ thứ ba (1960 - 1970)

Mẫu F-5E Tiger II thuộc Không quân Áo
Trong thời kỳ này có sự định hướng lại trong xây dựng lực lượng máy bay tiêm kích. Điều đó thể hiện sự nhận thức lại vai trò của chiến tranh trên không: trước đây các cường quốc ưu tiên số một cho chiến tranh tổng lực có sử dụng vũ khí huỷ diệt hàng loạt nhằm triệt tiêu lẫn nhau. Còn đến giai đoạn này các cường quốc hiểu rằng gần như sẽ không có thứ chiến tranh như vậy nữa, không chiến sẽ là các cuộc chiến tranh phi hạt nhân với chiến trường thuộc về máy bay tiêm kích mặt trận. Các cuộc chiến tranh khu vực trong thời kỳ này đã chứng kiến những cuộc không chiến giữa các loại tiêm kích mặt trận như chiến tranh Việt Nam (1963-1973), chiến tranh Trung Đông (1967, 1973) và chiến tranh Ấn Độ- Pakistan năm 1971.


F-5C Freedom Fighter của ngụy quân đậu tại sân bay Biên Hòa năm 1971.

Thế hệ tiêm kích thứ ba được hoàn thiện từ những sáng kiến cải tiến được áp dụng trong thế hệ tiêm kích thứ nhất. Khi sự phát triển hàng không tiếp cận đến mức độ hoàn thiện, khả năng chiến đấu cũng được gia tăng thông qua tên lửa, radar, và những thiết bị điện tử hàng không hiện đại khác.
Nghiên cứu những kinh nghiệm thu được từ việc sử dụng tên lửa điều khiển, các nhà thiết kế thừa nhận rằng trận đánh sẽ kết thúc trong không chiến tầm gần (dogfights). Những khẩu súng một lần nữa lại trở thành một tiêu chuẩn, và tính cơ động một lần nữa lại được ưu tiên.
F-4 Phantom II bay ở VN (xưa).

Shenyang J-8 của Trung Quốc.

Hai em Mirage III của không quân Úc. (Pháp chế tạo)

Trước đây, quân đội nhiều nước được trang bị máy bay tiêm kích chuyên dụng cho từng vai trò riêng biệt, như máy bay tiêm kích ban đêm, máy bay tiêm kích hạng nặng và máy bay tiêm kích tấn công. Tuy nhiên, xu hướng này dẫn đến số lượng máy bay tiêm kích ngày càng lớn và chi phí ngày càng cao. Do đó, quân đội các nước bắt đầu hợp nhất các loại nhiệm vụ, dẫn đến hình thành những loại máy bay tiêm kích đa chức năng. Điển hình đó là chiếc McDonnell F-4 Phantom II vốn được thiết kế như một máy bay tiêm kích đánh chặn thuần túy cho Hải quân Hoa Kỳ, nhưng đã được cải tiến để trở thành máy bay đa chức năng rất thành công trong không quân, hải quân và thủy quân lục chiến của Hoa Kỳ cũng như nhiều quốc gia khác. Đó là máy bay chiến đấu duy nhất đồng thời thực hiện cả ba nhánh đơn vị trong quân đội Hoa Kỳ.
Thế hệ thứ tư (1970 - 1990)

F-16 Fighting Falcon.
Để đối phó với chi phi liên tục tăng của máy bay tiêm kích và hoàn thiện sự thành công của F-4 Phantom II, máy bay tiêm kích đa chức năng đã trở thành phổ biến trong thời kỳ này. Những máy bay tiêm kích mới như MiG-23 và Panavia Tornado có nhiều phiên bản đặc biệt cho các nhiệm vụ khác nhau, trong khi máy bay tiêm kích đa chức năng thật sự lại là F/A-18 Hornet và Dassault Mirage 2000.

AIDC F-CK-1 Ching-kuo của Đài Loan, có giá khoảng 30 triệu đô.

MiG-31 "chó săn chồn" của Nga nhìn rất gấu từ phía trước.

Máy bay tiêm kích Panavia Tornado IDS của Ý.
Không giống như những máy bay tiêm kích đánh chặn ở thời kỳ trước, đa số những máy bay tiêm kích chiếm ưu thế trên không hiện đại đã được thiết kế để có thể không chiến tầm gần nhanh nhẹn. Hệ thống điều khiển trong buồng lái phần lớn dùng hệ thống điện – điện tử và máy tính sẽ loại bỏ hệ thống điều khiển cơ – thủy lực đã lỗi thời. Do đó phi công có thể chú tâm vào việc tác chiến hơn là lo điều khiển máy bay, và sự tiện nghi thoải là yếu tố quan trọng để giành chiến thắng.
Thế hệ 4.5 (1990 - 2000)

Dassault Rafale đang chuẩn bị cất cánh trên tàu sân bay Dassault Rafale của Pháp.
Thế hệ "nửa chừng" này là thế hệ chiến đấu cơ hiện đại - biểu hiện sự trì trệ của các cải tiến khí động học (vốn bùng nổ ở thế hệ ba) - nhưng lại tiến triển vượt bậc các hệ thống dẫn đường và các hệ thống điện tử khác nhờ áp dụng vi xử lý và kỹ thuật bán dẫn trong các thập niên 1980 và 1990, cũng như công nghệ tàng hình dựa trên thiết kế từ máy bay siêu tính.

Thành Đô J-10 của Trung Quốc tại triển lãm hàng không Zhuhai 2008.

MiG-35 thuộc dòng MiG-29 với bộ phận chỉnh hướng phụt động cơ. Giá 45 triệu đô.

F-15E Strike Eagle của Hoa Kỳ đang thả pháo sáng trên bầu trời Afghanistan
vào ngày 12 tháng 11 năm 2008.

HAL Tejas của Ấn Độ.

Điển hình của thế hệ này là chiếc F/A-18E/F Super Hornet dựa trên thiết kế cũ của chiếc F/A-18 Hornet thập niên 1970. Trong khi các đặc điểm khí động học căn bản không thay đổi, Super Hornet được cải tiến tính năng lái nhờ trang bị buồng lái toàn kính, radar quét bán dẫn cố định AESA, động cơ mới, cấu trúc bằng vật liệu composite nhẹ hơn, và hình dáng thay đổi chút ít để giảm phản xạ tín hiệu radar. Trong số này, chỉ có hai chiếc Super Hornet, Strike Eagle và Rafale là có tham chiến trong các cuộc chiến tranh.
Thế hệ thứ năm (2000 – 2011 và hơn nữa)

Hai chiếc F-22, bên trên là EMD F-22, Raptor đầu tiên của thế giới.
Là thế hệ các máy bay hiện đại nhất đang được chế tạo, phát triển và là sự tổng hợp của các tính năng ưu việt sau:
- Hệ thống phễu phụt phản lực đa hướng cho phép máy bay có lực nâng phản lực với độ cơ động cực cao. Hiện nay đang có các mẫu máy bay F-22 Raptor của Hoa Kỳ, các đời Sukhoi mới nhất của Nga, Eurofighter Typhoon của Châu Âu đáp ứng được yêu cầu này, trong đó dòng máy bay Sukhoi đáp ứng ưu việt nhất.
- Tốc độ hành trình cơ bản là siêu âm không cần đốt nhiên liệu phụ.
- Công nghệ tàng hình chống ra đa và giảm thiểu đến mức tối đa các trường vật lý của máy bay, cho phép máy bay là vô hình đối với hệ thống phòng không của đối phương.
- Hệ thống điều khiển hoàn toàn tự động, tương tác thông tin, tương tác đầu ra/đầu vào trực tiếp trên kính. Tự động tổng hợp các thông tin chiến đấu, có khả năng bỏ qua các hành động sai sót của phi công khi thao tác bay.
- Tính đa năng của máy bay cho phép thực hiện được nhiều chức năng chiến đấu.
- Hệ thống radar hoả lực vòng tròn mạnh ở mọi phía có thể cảnh giới, nhìn và bắn về phía sau cũng hiệu quả như về phía trước và tiến đến có thể tác chiến vòng tròn.
Ở thế hệ này, duy nhất chỉ có F-22 Raptor của Hoa Kỳ, đã được đưa vào sản xuất vào năm 2004, hiện đang phục vụ trong không quân Hoa Kỳ, và thường được xem như là máy bay tiêm kích đầu tiên của thế hệ tiêm kích mới, gọi là "thế hệ thứ năm". Một chiếc khác thuộc thế hệ này là F-35 Lightning II cũng đang được Hoa Kỳ phát triển (trước đây là Joint Strike Fighter). Cả F-35 và F-22 đều chịu ảnh hưởng từ các thiết kế thế hệ tiêm kích thứ tư, và hầu hết các thiết kế thế hế thứ năm hiện nayy của các quốc gia trên thế giới đều có một số hình dáng đường nét khí động học giống nhau như Sukhoi PAK FA của Nga, dự án Shenyang J-XX của Trung Quốc, Máy bay Chiến đấu Tầm trung của Ấn Độ và KFX của Hàn Quốc. Những mẫu thao diễn công nghệ của thế hệ tiêm kích thứ năm hiện đã bị hủy bỏ bao gồm YF-23 Black Widow II, Boeing X-32, McDonnell Douglas X-36 của Hoa Kỳ cộng với Dự án MiG 1.42 mà sau này nâng cấp thành phiên bản 1.44 của Nga.
Một số máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm đáng chú ý:
Đang hoạt động:
Hoa Kỳ: Lockheed Martin / Boeing F-22 Raptor.

Bộ ba F-22 Raptor trên biển Thái Bình Dương gần Nhật Bản.

Đang hoàn thiện:
Hoa Kỳ và Anh: Lockheed Martin / Northrop Grumman / BAE F-35 Lightning II / JCA

Lockheed Martin F-35 Lightning II tại căn cứ không quân California.
Nga: Sukhoi T-50

Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của T-50.

Bị hủy bỏ:
Nga: Sukhoi Su-47 'Berkut'Mikoyan Project 1.44 'Flatpack'

SU-47.

Mô phỏng cho Mig 1-44-2.

Hoa Kỳ : Northrop YF-23 Black Widow IIBoeing X-32 JSF

Hai nguyên mẫu thử nghiệm của YF-23.

Boeing X-32 JSF bản concept.

Đang phát triển:
Trung Quốc: J-20

J-20 trong mắt các họa sĩ của Trung Quốc.
Nga và Ấn Độ: Dự án dựa trên PAK-FA
Ấn Độ: Medium Combat Aircraft

Mô hình của Medium Combat Aircraft

Nhật Bản: Mitsubishi ATD-X
Hàn Quốc: KAI KF-X
Nga: MiG LFI

MiG-LFI hay có tên gọi khác là MiG I-2000

III. Máy bay ném bom (Bomber):

B-2 đang thả bom Mk.82 trong một cuộc diến tập
năm 1994 tại ngoài khơi Point Mugu , California.

Là loại máy bay chiến đấu chuyên để đánh phá tiêu diệt các mục tiêu lớn trên mặt đất hoặc trên biển của đối phương bằng cách thả bom toạ độ diện rộng hoặc phóng tên lửa từ xa để tiêu diệt mục tiêu. Đây là lực lượng nòng cốt của không quân để hủy diệt tiềm lực kinh tế quân sự của đối phương.
Trong quân đội Mỹ tên các máy bay ném bom bao giờ cũng có chữ B (Bomber: ném bom) ở phía trước ví dụ B-24, B-29, B-52, B-1, B-2. Nga có các loại Tu-160, Tu-22M, Tu-16, Tu-95. Nói về máy bay ném bom, hiện nay lực lượng không quân Hoa Kỳ không có đối thủ cả về số lượng lẫn chất lượng.

B-52 cùng giàn vũ khí hủy diệt.

Tu-160, máy bay ném bom hạng nặng, siêu âm đang di chuyển cùng 2 đệ tử .



Chiếc Tu-22M3 của Ukrainian.

Trong quá khứ, máy bay ném bom được xếp là loại máy bay riêng và thường có hình dáng khác biệt với các loại máy bay khác. Điều này là do công suất của động cơ còn hạn chế, chúng phải được trang bị thêm động cơ để mang tải bom. Kết quả là các máy bay này to lớn hơn rất nhiều vừa để gắn thêm động cơ, vừa để có thêm không gian chứa bom và nhiên liệu.


Sikorsky Ilya Muromets - chiếc máy bay chở khách đầu tiên
đã bị biến thành máy bay ném bom cho Liên Xô.

Douglas SBD - một trong những chiếc máy bay ném bom bổ nhào phổ biến.


Bởi công suất động cơ là cản trở chính, cộng với mong muốn tăng tính chính xác và các yêu cầu vận hành khác, máy bay ném bom có xu hướng được cấu trúc riêng cho từng nhiệm vụ. Cho đến đầu Thế chiến thứ hai chúng bao gồm:
- Máy bay ném bom bổ nhào
- Máy bay ném bom tầm ngắn, tầm trung và tầm xa
- Máy bay phóng lôi
- Máy bay cho nhiệm vụ tấn công mặt đất.

Hiện tại những khái niệm này đã trở nên xa vời và để phù hợp hơn với phương pháp tác chiến trong chiến tranh hiện đại chúng ta có các loại máy bay ném bom sau :
Máy bay ném bom chiến lược (Strategic bomber) được thiết kế dành cho các phi vụ tấn công tầm xa vào các mục tiêu chiến lược như các căn cứ hậu cần, cầu cống, nhà máy, xưởng đóng tàu và các thành phố với ý đồ gây ngăn cản nỗ lực chiến tranh của đối phương. Ví dụ: B-52, Tu-160, B-2 Spirit.
B-1B B-2 và B-52 của Hoa Kỳ.

Máy bay ném bom chiến thuật (Medium bomber) là loại máy bay nhỏ hơn, tầm hoạt động ngắn, chủ yếu là hỗ trợ các lực lượng trên mặt đất. Trong khái niệm quân sự hiện đại, những máy bay chiến đấu không phải là máy bay ném bom chiến lược đều được xếp vào loại này.

Máy bay ném bom chiến thuật B-25B Mitchell.
Máy bay tấn công mặt đất (máy bay yểm trợ tầm ngắn, Ground-attack aircraft) được sử dụng hoạt động trên chiến trường và tấn công các mục tiêu chiến thuật ví dụ xe tăng, các khối bộ binh…

A-10 Thunderbolt II đang bắn AGM-65.

Chiếc A-7E đang thả bom xuống một cây cầu ở Hải Dương năm 1972.

Máy bay ném bom-chiến đấu (Fighter-bomber) là loại máy bay chiến đấu nhiều chức năng, có thể được trang bị các vũ khí không-đối-không và không-đối-đất. Nhiều máy bay ném bom-chiến đấu được chế tạo cho nhiều mục đích sử dụng nhằm tiết kiệm chi phí và tăng tính linh hoạt. Ví dụ: Chengdu J-10, F-16, F/A-18 Homet, Su-32, Mirage 2000 và Panavia Tornado.


Sukhoi Su-34, loại máy bay chiến đấu-ném bom và tấn công tiên tiến của Nga.


IV. Máy bay cường kích (ground/attack aircraft)


Một chiếc RAF Harrier GR9 của không quân Hoàng gia Anh tại Afghanistan, 2008
Là loại máy bay chuyên để tấn công các mục tiêu nhỏ, di động của đối phương trên mặt đất thường là để yểm trợ cho các lực lượng quân đội mình trên mặt đất hoặc để truy đuổi độc lập đánh phá các đoàn xe quân sự của địch. Loại máy bay này tốc độ không cao nhưng có thể bay rất lâu trên chiến trường, có thể mang vài quả bom thông thường hoặc rất nhiều bom chùm loại nhẹ chống tăng, chống thiết giáp và chống xe cơ giới; hệ thống pháo, súng máy uy lực lớn và các ống phóng rocket không điều khiển của pháo binh phản lực.
Trong quân đội Hoa Kỳ loại máy bay cường kích này có tên là chữ A (Attacker: tấn công) như A-4, A-6, A-10, A-37... Trong lịch sử thế chiến II có các loại máy bay cường kích hiệu quả của Đức là Henschel Hs-129 và đặc biệt là loại Il-2 của Liên Xô được mệnh danh là "xe tăng bay". Hiện nay mẫu máy bay cường kích được coi là hiệu quả nhất thế giới đã được kiểm nghiệm qua các cuộc chiếc là A-10 Thunderbolt của Hoa Kỳ.

Il-2M của Không quân Xô viết.

A-37A Dragonfly của Không lực Việt Nam Cộng hòa

Hai chiếc A-10 Thunderbolt II trông rất "giang hồ".
Như đa số những sự phân loại máy bay chiến đấu khác, định nghĩa của máy bay cường kích cũng có phần mơ hồ không rõ ràng. Một điểm khác nhau giữa máy bay cường kích (hay máy bay tấn công mặt đất) và các thiết kế khác như máy bay tiêm kích là chúng có tốc độ bay chậm hơn, thường bay ở cao độ thấp, thời gian bay bao vùng lâu hơn để hỗ trợ quân bạn trong cận chiến. Chúng sẽ thu hút hỏa lực từ mặt đất, từ các vũ khí cầm tay nhiều hơn và vì thế máy bay thường được trang bị lớp giáp dày đặc biệt để bảo vệ tính mạng phi công. Nói chung một máy bay cường kích có kích thước nhỏ hơn so với những máy bay tiêm kích hay máy bay tiêm kích đánh chặn.

No comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...
Blogger Gadgets
BACK TO TOP