Menu ngang

Wednesday, February 16, 2011

150 album bạn phải nghe trước khi chết

Với một tiêu đề gây sốc như vậy, tạp chí âm nhạc Classic Rock Magazine (Anh) số mới nhất đã làm xôn xao giới nghe nhạc tiền phong, đặt lại nhiều vấn đề về giá trị của âm nhạc mà tính thương mại cố hữu vẫn thường quyết định.


Bìa của Classic Rock Magazine. Sốc hơn nữa là trong số 150 album do các bình luận viên gạo cội là Walter Trout, Ginger và Steven Wilson chọn lựa, hoàn toàn không có các tên tuổi quen thuộc như Led Zeppelin, Beatles, Rolling Stones...

Lịch sử bị ẩn giấu

Classic Rock Magazine nói rằng đây là tuyển tập lựa chọn của những người có ý thức và sành âm nhạc. Giá trị được liệt kê còn được nhìn thấy như một giá trị lịch sử âm nhạc bị ẩn giấu của loài người.

Nền âm nhạc tiền phong, đặc biệt là nhạc rock, theo nhận định lâu nay của các bình luận viên âm nhạc thường chỉ có hai ứng cử viên là Anh và Mỹ, lâu lâu thì nước Đức chạy vội theo góp mặt. Dân Mỹ chê dân Anh lập dị và quá lố, còn dân Anh chê nhạc rock Mỹ là thương mại hóa cũng như không tiền phong. Dân Đức thì góp mặt văn nghệ và khiêm tốn hơn.

Và dĩ nhiên, trên tinh thần đó dân Anh luôn tôn xưng phần lớn các xu hướng và sản phẩm âm nhạc của mình, nhưng công bằng mà nói, cái “chảnh” đó của dân Anh cũng có nhiều lý do để biện hộ một cách xứng đáng. Vì phần lớn các tên tuổi và sự tiên phong trong âm nhạc, thậm chí tiên phong trong môi trường underground, đều là “made in England”. Điều này đã từng xảy ra một cuộc đấu khẩu giữa giới yêu âm nhạc Anh, Mỹ trong thập niên 1960. Người Anh tung hô và nhảy múa quanh các tên tuổi như Beatles, Elton John... và cười sặc sụa khi nghe Carpenters, giễu cợt rằng đó là âm nhạc dành cho giới nghỉ hưu. Dân Mỹ tím mặt và chỉ lấy lại tư thế sau khi phát triển thêm được dòng nhạc trẻ Mỹ gốc Phi.

Và chính vì thế, nội dung của tờ Classic Rock Magazine cũng là cơ hội nhắc lại và đập bàn xưng tên rằng thời kỳ khởi đầu của nhạc trẻ, nhạc rock đó, người Anh đã tạo dựng nên những nền móng mà cả thế giới sau đó chạy theo dài dài, tiếc là rất nhiều người trong đó bị chìm lấp trong các làn sóng thương mại mà đến nhiều thập niên sau này, khi nhận ra, giới viết lịch sử âm nhạc mới hối tiếc.

Những giá trị chưa được tiết lộ

Trong bài lý giải cho việc chọn lựa 150 album độc đáo này - nghe trước khi chết - các nhà bình luận âm nhạc Anh nói rằng chính thời đại của blog và chia sẻ qua mạng đã khiến người ta dần tìm thấy những giá trị chưa được tiết lộ của âm nhạc. Từ những thông tin đó, lịch sử âm nhạc trở nên lấp lánh hơn với những con người bị coi là vô danh hay thất bại trong sự nghiệp của họ.

Một trong những ví dụ cụ thể là khi các tác phẩm cuối cùng của nhiều nhóm nhạc, ca sĩ tiền phong... được tìm thấy với những giá trị khởi xướng của họ, đã trở thành những món hàng giành giật nhau trên Ebay, các trung tâm đấu giá. Gần đây nhất là bản đĩa nhựa cuối cùng còn tìm thấy có nhóm nhạc Captain Marryat (Scotland) đã kêu giá đến 6.000 USD.

Dường như nhạc rock đã phát triển nhanh và đủ nhanh đến mức người ta không còn thời gian để nhìn lại. Nhìn lại thập niên 1960, người ta thấy rõ một thời đại đầy kích thích mà mọi sáng tạo mới, những huyễn tưởng và sự điên khùng nhất của nhạc rock đều được đón nhận và lưu giữ trong ngành công nghiệp ghi âm. Còn bây giờ thì không, nguyên tắc của nhiều nhà sản xuất là có bán được mới in ra. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào sản phẩm âm nhạc để tổng kết lịch sử âm nhạc, chắc chắn thời đại mà chúng ta đang sống sẽ tổng kết được những gì “làm được”, khác với thời đại khởi đầu từ thập niên 1960 là những gì “có được”.
Có vẻ hơi hoài cổ, nhưng thông điệp của Classic Rock Magazine cũng làm khá nhiều nhà sản xuất hồi hộp, đào bới lại các kho tàng tưởng từng bụi bặm lắm của mình. Đồng thời thông điệp này cũng nhắc cả những người đang sống với âm nhạc rằng có thể họ đang bỏ quên một cách đáng trách những giá trị phi thương mại hay tiền phong lúc này, chỉ vì đơn giản là “in đĩa không lời”.

Để tham khảo thêm, cũng như thưởng thức các khuynh hướng âm nhạc như vậy, các bạn có thể tìm đến địa chỉ www.classicrockmagazine.com, nơi đó gần như có các tác phẩm mới, chia sẻ mỗi tuần.

Xin giới thiệu 10 album trong hạng mục The concept album (các album khởi đầu cho những ý tưởng sáng tạo), tức những album được liệt kê như những người khai phá ý tưởng âm nhạc quan trọng mà thế kỷ này người ta vẫn chạy theo nhưng chưa kịp. Phần giới thiệu này của nhà bình luận Steven Wilson.
  1. Nhóm Aphrodite’s Child với album 666 (1972)
  2. Nektar với album Journey to the centre of the eye (1970)
  3. Tom Newman với album Faerie symphony (1977)
  4. Wendy Carlos với album Sonic seasonings (1972)
  5. Lol Creme & Kevin Godley với album Consequences (1977)
  6. Jon Anderson với album Ohilas of sunhilow (1976)
  7. David Bedford với album The rime of the ancient mariner (1975)
  8. Camel với album Nude (1981)
  9. Virginia Atsley với album From gardens where we feel secure (1983)
  10. Serge Gainsbourg với album Histoire de Melody Nelson (1971)
(Tổng hợp)

No comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...
Blogger Gadgets
BACK TO TOP