Menu ngang

Tuesday, February 8, 2011

In Flames - Ngọn lửa từ vùng đất băng giá


Click the image to open in full size.
Mọi sự khởi đầu vào năm 1990 khi tay guitar Jesper Strombald do quá chán ngán đã quyết định rời bỏ nhóm Ceremonial Oath. Jesper không ra đi một mình mà kéo theo cả ca sỹ Anders Friden và tay guitar Anders Iwers (sau này lập nên nhóm Tiamat). Với mong ước được sáng tạo hết sức mình, Jesper đã cùng Johan Larsson và Glenn Ljungstrom thành lập nên IN FLAMES.
Cũng trong thời gian này, vào năm 1993, Jesper đã cùng tay guitar Oscar Dronjak thành lập nên một nhóm Power metal mà sau này nổi danh với cái tên HAMMERFALL.

Trở lại với In Flames, bộ ba này đã thực hiện một băng demo và gửi nó đến một hãng đĩa nhỏ có tên Wrong Again. Người quản lý của hãng đĩa này đã vô cùng ấn tượng với cuốn băng demo này và trong đêm mà ban nhạc gọi điện đến, ông ta đã ngay lập tức ký hợp đồng với họ. Điều tức cười là ở chỗ ba anh chàng này gọi điện cho tay quản lý trên trong khi đang say sưa với nhau trong một quán bar, và do quá phấn khởi vì kiếm được hợp đồng một cách nhanh chóng như vậy, họ đã "bốc phét" rằng mình đã thực hiện được 14 ca khúc trong khi mới chỉ sáng tác và ghi âm được có ...3 bài! Kết quả là ngay sau khi tỉnh rượu, Jesper cùng hai anh bạn đã phải ngay lập tức bắt tay vào sáng tác cho đủ 11 ca khúc còn lại để kịp giao cho ông ta. 10 ca khúc trong số đó đã được đưa vào album "Lunar Strain"(1994), phát hành sau đó không lâu và đã đưa tên tuổi của ban nhạc lên một vị trí đáng tôn trọng trong trào lưu nhạc Underground ở Thuỵ Điển. Điều thú vị là người hát cho album này không phải Anders mà lại là ca sỹ Mikael Stanne của nhóm Dark Tranquillity, tay trống Anders Jivarp của Dark Tranquillity cũng tham gia vào album này.

Trong thời gian đầu, do chưa có sự ổn định về nhân sự nên In Flames đã phải đi vay mượn thành viên từ các nhóm khác, trong đó có các tên tuổi đáng chú ý như Henke Forss (Dawn), Daniel Erlandsson (Eucharist, Arch Enemy)... Năm 1995, In Flames phát hành một mini-cd có tên "Subterranean", mà sau này đã được coi là một ”bệ phóng” cho ban nhạc đột phá ra khỏi trào lưu underground và đưa họ đến một hợp đồng chính thức với chi nhánh của hãng đĩa Nuclear Blast tại Đức, cho đến bây giờ họ vẫn chung thuỷ với hãng này. Thành công rực rỡ của ban nhạc đồng hương At the Gates trong năm đó (với album kinh điển "Slaughter of the Soul") càng thôi thúc Jesper và các chiến hữu hơn bao giờ hết. Do đã chán với việc cứ phải đi vay mượn thành viên lung tung, Jesper đã mời Anders Friden và Bjorn Gelotte chính thức tham gia vào ban nhạc ở hai vị trí ca sỹ và trống . Và In Flames lần đầu tiên có một đội hình hoàn chỉnh bao gồm Jesper Strombald và Glenn Lungstrom chơi guitar, ca sỹ Anders Friden, Johan Larsson đánh bass, và tay trống Bjorn Gelotte.

Đội hình này đã thực hiện album "The Jester Race", phát hành năm 1996. Album này đã khiến cho tên tuổi của In Flames bắt đầu được biết đến trên khắp châu Âu cũng như ở nước Nhật xa xôi như là một ban Melodic Death Metal có lối chơi sắc nét, sôi nổi và tràn đầy giai điệu. Cùng với nhóm black metal của Thuỵ Sĩ Samael và nhóm thrash/black lừng danh của Đức Kreator; In Flames đã thực hiện một festival nhỏ và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía người hâm mộ. Tuy nhiên điều đó chưa đủ để giữ chân hai anh chàng Johan và Glenn vốn là những người hãnh tiến và nhiều tham vọng. Họ đã quyết định rời In Flames để tìm kiếm những vinh quang khác lớn hơn, và tất nhiên trong đó họ phải được ưu tiên nhiều hơn là trong In Flames (sau này chắc họ sẽ phải hối tiếc vì hành động dại dột này!). Họ đã nhất loạt rời bỏ nhóm trong khi In Flames đang thực hiện album lớn thứ hai, Whoracle, và Bjorn, Jesper cùng Anders phải tiếp tục xoay sở với một album chỉ mới được định hình. Để chữa cháy, Jesper đã phải triệu tập Peter Iwers và Niklas Engelin vào đảm nhận phần bass và guitar cho ban nhạc. Với đội hình mới này, In Flames đã thực hiện hoàn chỉnh và phát hành album "Whoracle" vào năm 1997. Để quảng bá cho album này In Flames đã cùng nhóm Melodic Black Metal nổi tiếng của Na Uy Dimmu Borgir thực hiện một chuyến du diễn nhỏ. In Flames đã lần đầu tiên đi dọc châu Âu và thậm chí còn diễn hai show ở Nhật, nơi mà chính họ cũng phải thấy choáng ngợp trước số lượng fan đông chưa từng thấy. Sau khi trở về Thuỵ Điển, Niklas đã rời nhóm để có thể tập trung vào một ban nhạc khác của anh ta là GARDENIAN (một ban Melodic Death Metal cũng khá xuất sắc, hãy nghe album Soulburner của họ mà xem!). Cũng trong thời gian này, Jesper quyết định rời Hammerfall để tập trung hơn nữa cho In Flames, sau khi góp phần tạo nên một album xuất sắc "Glory to the Brave" cho Hammerfall nói riêng và cho dòng Power Metal nói chung. In Flames cũng thực hiện một sự thay đổi quan trọng khi Bjorn Gelotte giã từ bộ trống và chuyển sang chơi guitar (hic, bắn súng hai tay như một). Tay trống mới của ban nhạc là Daniel Svensson được chiêu mộ từ nhóm Sacrilige. Đội hình này đã bắt tay vào thực hiện một tuyệt tác mà cho đến nay được đánh giá là album hay nhất của In Flames: "Colony".

Với album này cả thế giới lên cơn sốt vì In Flames. Họ được gọi một cách trìu mến là "The Beach Boys của Death Metal" (The Beach Boys là một nhóm surf-rock nổi tiếng của Mỹ ở thập niên 60 được biết đến với nhũng ca khúc lạc quan yêu đời). Quả thật họ đã đem lại một hình ảnh trẻ trung, đầy sức sống và khác lạ cho Death Metal. Âm nhạc dữ dội, sôi nổi và thô nhám nhưng tràn ngập những giai điệu khó quên, cộng với một vẻ bề ngoài năng động và lịch lãm (In Flames là một trong số ít những ban nhạc metal xuất hiện trên quảng cáo quần jeans), họ đã chinh phục cả thế giới với chuyến du diễn dài ngày The Colonization, đưa họ lần lượt tới châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á; diễn trong những khán đường đông chật khán giả cuồng nhiệt . Kết thúc chuyến du diễn, In Flames đã rút vào studio trong ba tháng để thực hiện album kế tiếp. Phát hành tháng 8/2000, "Clayman" đã nhanh chóng đạt đến những vị trí cao nhất trên các bảng xếp hạng, thậm chí còn làm lu mờ cả album "Brave New World" của nhóm Heavy Metal lão làng Iron Maiden tung ra cùng thời gian đó và trở thành album bán chạy nhất của In Flames từ trước đến nay.

Lại một tour diễn bận rộn nữa đến với In Flames, trong đó có sự góp mặt của những tên tuổi lớn như nhóm Progressive metal Dream Theater, nhóm Thrash metal Testament, và hai nhóm Nu metal Slipknot, Methods of Mayhem,...In Flames lại lên đường nhưng lần này thiếu mất Peter Iwers vì anh muốn giành nhiều thời gian hơn cho gia đình và đứa con gái đầu lòng, Dick Lowgren của nhóm Armageddon được mời vào để tạm thời thay thế cho Peter. Trong năm 2000, In Flames đã diễn tổng cộng xấp xỉ 150 show. Năm 2001, với sự trở lại của Peter, In Flames tiếp tục cuộc hành trình bận rộn của mình, trong năm này họ tung ra album live đầu tiên "Tokyo Showdown" ghi lại buổi diễn có quy mô khổng lồ của họ tại Nhật Bản. Cũng trong năm 2001, In Flames được tạp chí chuyên ngành có uy tín Metal Maniacs bình chọn là ban Death Metal số một thế giới.

Ngày 6/4 2002), tại Metal Hardcore Festival diễn ra ở bang New England, Mỹ, In Flames đã sát cánh cùng các tên tuổi lừng danh của Death Metal đương đại như Cannibal Corpse, Nile, Soilwork, Hate Eternal, Dark Funeral... tạo nên một show diễn sôi động nhất của năm 2002
In Flames – The Jester Race – Nuclear Blast (1995)


Click the image to open in full size.

Album lớn đầu tiên của In Flames được phát hành dưới nhãn hiệu của Nuclear Blast và cũng là album đầu tiên mà trong đó In Flames chơi với một đội hình trọn vẹn không chắp vá. Với album này In Flames đã thực sự mang lại một luồng sinh khí mới cho Death Metal. Ban nhạc đã sử dụng những đoạn riff mạnh mẽ và dữ dội nhưng giàu giai điệu làm nền tảng cho tiếng hát mãnh liệt của ca sỹ chính Anders Friden, khó có thể hát trọn vẹn một ca khúc nào của In Flames nếu như không có tiếng guitar, nhiều lúc ta có cảm tưởng Anders là người dẫn dắt cho hai cây guitar "hát". Những đoạn lead của In Flames cũng tràn ngập giai điệu và rõ ràng rành mạch, ta có thể thấy được ảnh hưởng của Iron Maiden lên lối chơi của In Flames.

Ca khúc mở đầu "Moonshield" làm người nghe ngây ngất với tiếng guitar thùng thánh thót và những đoạn riff réo rắt cùng ca từ mang đậm chất thơ , có lẽ ca khúc này đã là cảm hứng cho một nhóm Melodic Death khác của Thuỵ Điển là Ebony Tears viết nên tuyệt phẩm "Nectars of Eden" trong album "Tortura Insomniae" (1997). Album này còn có những điểm sáng khác như "The Jester Race","December Flower", "Artifacts of the Black Rain" và bản instrumental với tiếng guitar nghe như tiếng chuông "The Jester Dance". Đây quả là một sự khởi đầu ấn tượng của ban nhạc Gothenburg.
In Flames – Whoracle – Nuclear Blast (1997)

Click the image to open in full size.

Album này đã đưa In Flames trở thành một tên tuổi được kính nể trong trào lưu Melodic Death Metal, không chỉ tại Thuỵ Điển. Mặc dù gặp nhiều trục trặc trong tiến trình sáng tác và ghi âm, chủ yếu là do sự "đứt gánh giữa đường" của Glenn Lungstrom và Johan Larsson, nhưng với sự tham gia kịp thời của tay guitar Niklas Engelin từ nhóm Gardenian, album này vẫn là một sản phẩm tốt của ban nhạc.

Tài nghệ sáng tác của Jesper Strombald và các chiến hữu đã được thể hiện qua một số ca khúc hay như "Jotun"(tái hiện những nỗi ám ảnh ghê gớm của con người sống trong thế giới công nghiệp),"Jester Script Transfigured", “Worlds Within' the Margin", “Gyroscope” (một ca khúc mang âm hưởng dân ca Bắc Âu được mở đầu bằng tiếng guitar thùng)... "Dialogue with the Stars" là một bản instrumental khó quên với những nét giai điệu đẹp và lạc quan; "Episode 666" (hic, lại 666) vẽ lên khung cảnh đen tối của một thế giới giả tạo bị đóng khung trong những show truyền hình. Ảnh hưởng của các nghệ sỹ khác đối với In Flames phần nào vẫn còn thể hiện trong album này. Đoạn solo trong "The Hive" gợi nhớ đến một "Mr. Crowley" kinh điển thủa nào của Ozzy; chuỗi hợp âm trong đoạn riff mở đầu "Jotun" lại mang âm hưởng của "Message in a Bottle" (Police). In Flames cũng cover lại ca khúc "Everything Counts" của nhóm synth/techno-rock lão làng Depeche Mode. Những ai đã nghe bản gốc của ca khúc này hẳn sẽ rất ngạc nhiên vì thấy khi "qua tay" In Flames nó đã biến đổi kỳ diệu như thế nào.
In Flames – Clayman – Nuclear Blast (2000)


Click the image to open in full size.

Lại là một album hoàn hảo nữa của In Flames, nó thực sự nhấn chìm người nghe vào một cảm giác quay cuồng và bay bổng ngay từ những cú riff đầu tiên! Hai cây guitar Jesper Strombald và Bjorn Gelotte tỏ ra không hề xuống phong độ và lối chơi mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng của họ đã làm cho người nghe không cảm thấy nhàm chán bất cứ một giây phút nào trong album này; giọng ca độc đáo và đa dạng của Anders Friden lúc thầm thì như giãi bày tâm sự, khi lại gào thét dữ dội như muốn phá tung tất cả những gì đang kìm nén bên trong, tay trống Daniel Svensson chơi vô cùng xông xáo; bên cạnh đó ban nhạc sử dụng rất hợp lý một số hiệu quả âm thanh... Tất cả đã tạo nên một bầu không khí cuồng nhiệt, hối hả và tươi sáng cho album này.

Các ca khúc đều được trau chuốt kỹ lưỡng về ca từ, những bài hay nhất có thể kể đến "Bullet Ride" (ca khúc mở đầu rất ấn tượng), "Only For the Weak" (sau này đã trở thành một hit lớn), "Pinball Map", "Square Nothing", "Swim" và bản power-ballad phảng phất nỗi buồn "Satellites and Astronauts". In Flames còn gây ngạc nhiên cho người nghe với một "hidden track" ở cuối album, một bài hát quá sôi nổi mà khi nghe nó bạn sẽ không thể ngồi yên được. Đây cũng là một album lý tưởng cho những người mới bắt đầu khám phá thế giới rộng lớn của Death Metal. Khác với nhiều ban Death Metal, In Flames nhìn nhận những khía cạnh của cuộc sống, những sắc thái tâm lý-tình cảm của con người và thậm chí cả cái chết... đều ở mặt tích cực.(Một số ban có tư tưởng tích cực tương tự có thể kể đến Soilwork, Darkane, Gardenian).

No comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...
Blogger Gadgets
BACK TO TOP